Bài đăng Phổ biến

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Bông lục bình


Sao tôi quên được khung trời mùa hạ ngày thơ ấu, cái thuở ngây thơ ngày ngày xách cặp đến trường. Trường làng tôi thật nhỏ bé và đơn sơ. Nó nằm chơi vơi ngay cạnh lũy tre xanh rì, ngang lối vào xóm nghèo, nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Từ nhà tôi đến trường không xa lắm, đi bộ chỉ năm phút là tới nơi. Con đường đất đỏ hai bên mọc đầy hoa sim tím đã hơn một lần làm ánh mắt tôi xao xuyến, màu tím của hoa sim cuốn hút tôi đến lạ…và tôi bắt đầu yêu màu tím cũng từ đó. Dọc bên đường là ruộng rau muống xanh tươi. Xa hơn chút nữa là con mương, nước ăm ắp đầy dẫn vào cánh đồng lúc nào cũng rập rờn bóng cá rô, cá sặt ngoi lên rồi lại lặn xuống. Đàn lia thia điệu đàng cứ bơi chầm chậm uốn lượn quanh đám ô rô, cóc kèn và vài cây bông súng trắng nõn như để làm duyên. Trên mặt nước, đám lục bình cứ lững thững trôi xuôi theo con nước, có một nhánh vươn cao hơn hẳn và phô ra những cánh hoa mỏng màu tím nhạt, điểm phơn phớt vàng xen lẫn những chấm xanh nho nhỏ. Từ thuở còn thơ, tôi cũng đã rất thích bông lục bình. Mỗi buổi chiều tan học, tôi thường ngồi cạnh bờ mương, ngay khúc chảy ra nhánh sông và dõi theo từng cụm lục bình dật dờ theo sóng. Nó cứ thong thà trôi… trôi mãi mà không biết sẽ về đâu giữa sông nước mênh mông. Những lúc ấy, bất giác tôi lại bùi ngùi khôn tả. Có lần, Nội tới đứng đón tôi ở cổng làng, tôi kéo Nội ra tận bờ sông và hỏi :

“Nội ơi ! lục bình sẽ trôi về đâu hả Nội? bao giờ thì nó mới dừng lại ?”

Nội lặng thinh giây lát :
“…Đến một nơi rất xa con ạ ! Nơi mà chính bản thân nó cũng không hay, nó cũng có thể dạt vào một ao tù nào đó rồi chết rũ đi mà ta chẳng hề biết, hoặc cứ trôi mãi, trôi mãi cho đến hết đời nó thì thôi”

Tôi đăm đắm nhìn ra xa xa :
“Tội nghiệp lục bình quá Nội nhỉ ? ”

Nội chợt nhìn vào mắt tôi, lặng im giây lát rồi thở dài :
“Tội nghiệp cháu tôi đa cảm quá ! đời con rồi sẽ khổ đấy !!!...”
Rồi Nội nắm tay, dắt tôi về nhà, vừa đi Nội vừa ngâm mấy câu thơ Kiều :
“Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”

***
Ngày tháng trôi đi, tôi dần lớn lên và Nội cũng không còn nữa. Làng quê tôi giờ đã đổi khác. Đô thị hóa len lỏi vào tận lối sống và nếp nghĩ con người. Xóm nhỏ nghèo nàn nay không còn vết tích gì của năm xưa, đồng ruộng nay cũng thành dất bằng và ngự trị trên đó là những ngôi nhà sang trọng. Xóm nhỏ chen chúc nhau giữa dân nhập cư, dân bản xứ và dân đại gia đến mua Biệt thự. Cái tình xóm làng thuở xưa cũng không còn. Bông lục bình của tôi ngày xưa không biết giờ trôi dạt đến đâu ? Tôi tự hỏi, hay nó đã hóa thân vào tôi, kẻ đã từng yêu lục bình thiết tha từ thuờ thơ ấu và cũng đang trôi giạt giữa dòng đời vô định để đến một lúc sẽ kẹt vào một ao tù nào đó rồi chết rũ đi mà chẳng ai hay biết. Tiếng Nội thân thương năm nào còn vẳng bên tai :
“….đời con rồi sẽ khổ đấy !!!...”

Tôi mơ màng nhớ đến bài thơ Tú Xương mà năm xưa Nội thường ngâm nga :
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

QUỐC HUY

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Trốn khỏi tuổi thơ bạo hành

Trốn khỏi tuổi thơ bạo hành

Chị  bây giờ là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty xây dựng làm ăn phát đạt, là chủ một quán cà phê bờ sông ở quận Bình Thạnh và một nhà hàng gia đình nhỏ ở gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP.HCM


.
Kỳ 1: Một triệu mảnh vỡ

Nhưng chị vẫn không quên nổi quá khứ bị bạo hành.
Chị sinh ra trong một gia đình nông dân ở một huyện nghèo tỉnh Trà Vinh.
Chị còn nhớ ngày đó khi chị mới 5 tuổi, mẹ chị đong lúa đi xay để có gạo nấu cơm ăn cho 12 đứa con nheo nhóc đói. Cha chị: “Xay nửa giạ thôi, ăn gì mà lắm thế!”. Bà mẹ nghèo xót ánh mắt đói thèm của con nên lén chồng đong đầy một giạ đem xay. Cơm gạo ngon lành chưa kịp nấu lên, người đàn ông có hơi men giơ cao cái đọt dừa to táng thẳng vào đầu vợ. Cơn đòn liên tiếp giáng tới tấp vào trán, vào đầu, vào gáy, vào cổ, vào lưng. Mẹ chị gượng nằm sấp chịu đòn. Chị lao vào khóc ré lên. Đọt dừa táng thẳng vào chị.
Đứa trẻ 5 tuổi - chị ngày ấy - đến giờ vẫn còn khóc: “Tui chạy ra ngõ gọi bà con, xóm làng, chạy từ ngõ này qua ngõ khác. Nhưng không ai qua nhà cứu mẹ cả”. Chị bảo chị đau đớn lắm và hình như đến giờ vẫn còn đau đớn vì tiếng kêu cứu tuyệt vọng ngày đó của chị không có người lớn nào đáp lại. Mẹ chị ngất lịm, đầu máu me vương vãi. Người đàn ông chị vẫn gọi là cha lôi mẹ vào nhà rồi bỏ đi nhậu tiếp.
Ám ảnh chết
Cái ý nghĩ giết chết người đàn ông hành hạ mẹ ấy xuất hiện lần lượt trong đầu những đứa con nhỏ. Một lần, mẹ chị bắt gặp con trai lớn cầm dao đứng núp ngoài cửa đợi cha ngủ là...
Những đứa trẻ ngày ấy đã không thể làm gì và phải tiếp tục nhìn cha hành hạ mẹ mình. Chị ứa nước mắt kể có lần cha dùng đá ném vào đầu mẹ. Cha cầm đòn xóc đâm xuyên qua vách làm tâm hồn non nớt của chị cứ bị ám ảnh mãi cảnh cái đòn xóc ấy ngày nào đó sẽ đâm xuyên qua ngực mình đến chết.
Cha đánh mẹ. Cha đánh cả đứa con nào dám xông vào giải cứu mẹ trong lúc đau đớn. Tiếng khóc dội trong lòng chị mãi đến tận hôm nay. Em trai út của chị từ ngày mới tuổi rưỡi đã ăn cả đòn của cha ném vào mẹ. Từ ngày bé, chị đã biết nơm nớp lo sợ khi đến trường. Đường tan học của trẻ thơ trong chị là rón rén đi gần lại ngõ nhà, hồi hộp nghe xem có tiếng khóc của mẹ và tiếng chửi bới hung hãn của cha hay không. Mỗi ngày đến trường, cả đám anh em chỉ sợ mẹ ở nhà bị đánh không ai cứu.
Có lần, khi đã lớn, chỉ vì chị không đưa nhiều tiền cho mẹ mua rượu ăn tết, người cha đã đánh mẹ chị đến ngất đi bằng những viên đá lớn. Ông đứng ở cửa cầm dao dọa giết tất cả đứa nào dám xông vào lo cho mẹ. Mấy đứa nhỏ đứng co ro ôm nhau khóc ngoài sân. Chị lao từ chợ về, cầm chiếc búa xông vào cha. Chị bảo: “Lúc đó, tôi nghĩ tôi sẽ chém chết ông, tôi sẽ chịu chết, tôi phải giải thoát em và mẹ khỏi cái địa ngục này”. Nhưng chị là con, chị đã không thể. Và chị chỉ biết ôm mẹ, đầy máu.
Anh em chị đứa nào cũng học giỏi. Nhưng đứa nào cũng bỏ học giữa chừng. Đứa nào gượng học được đến đâu là do trường thương vì học giỏi mà cho học bổng đi học. Chứ một bà mẹ nghèo quanh năm đi mua bán quần áo cũ và nuôi cả ông chồng say xỉn tối ngày, miếng ăn cho con bà còn không lo được.
Cuộc trốn chạy
Chị bỏ học năm lớp 6, lên TP.HCM. Chị đi giữ trẻ cho một nhà trẻ ở gần cầu Thị Nghè. Cô con gái 17 tuổi làm từ 4g-24g, chăm ăn chăm uống cho gần trăm đứa trẻ chen chúc nhau. Đêm chị “được” chủ nhà cho ra ngoài sân ngủ trên mấy cái ghế kê sát nhau, dưới là mấy con chó nằm say ngủ. Chị cười hớn hở: “Chỉ thoát khỏi nhà, lúc đó không biết khổ là gì nữa. Chỉ cần không thấy cha hành hạ mẹ...”.
Cả năm làm việc tiết kiệm được 200.000 đồng, chị rón rén đến tiệm may gần nhà trẻ xin đi học... một giờ mỗi buổi trưa. Chủ tiệm may thương cô gái nghèo mà cho chị đóng dần tiền học suốt năm. Chị làm thợ may, rồi thành chủ tiệm. Chị mở tiệm may nhờ sự giúp đỡ của chủ.
... Ấy vậy mà chị phải cưới chồng. Đó là người chồng say xỉn mà cha chị hứa gả trong khi chén thù chén tạc với bạn bè. Đứng trong nhà chồng, mang thai nặng trịch đứa con máu mủ, chị nhìn chồng sáng say chiều xỉn như cha mình. Chị nghĩ tới những trận đòn của cha. Chị sợ. Nỗi sợ ấy lớn đến nỗi đứa trẻ vừa kịp ra đời chị đã đem nó lên TP.HCM. Chị sống một mình, thà để con không cha còn hơn sống cảnh nước mắt chan máu trong bữa cơm như ở gia đình mình.
Chị sống xa gia đình. Và trong những cuộc điện thoại, chị nghe em trai em gái khóc. Chị nghe mẹ chịu đòn đau. Chị nghe em trai giận dữ xách dao đi tìm giết cha. Chị chỉ khóc. Chị sợ hãi trốn chạy chính gia đình của mình. Chị - đứa con thứ chín trong gia đình - phải lần lượt cứu những đứa em trong nhà khỏi sự hành hạ và chửi bới của cha. Có lần, chị phải lôi đứa em trai đang làm... bảo kê vũ trường về nhà chỉ vì nó cố gắng tìm một lối mưu sinh khi thoát khỏi gia đình.
34 tuổi, chị xinh đẹp và giàu có. Chị ôm đứa con trai 14 tuổi cao to không trọn vòng tay nữa. Nó lúc nào cũng đi theo chị, lúc nào cũng lo lắng cho chị như một người đàn ông thực thụ. Chị lần lượt đưa những đứa em của mình lên thành phố, cho chúng học nghề, giúp chúng làm ăn và tạo dựng gia đình.
Thỉnh thoảng khi ngủ chị vẫn mơ thấy trận đòn của cha. Chị thấy máu của mẹ trào xuống bên trán. Chị vùng dậy và vẫn đầy sợ hãi.
Trong nhà hàng nhỏ và quán cà phê của chị hôm nay có 12 đứa trẻ cùng quê lên làm thuê cho chị cũng vì phải trốn đòn của những người cha say rượu triền miên. Chị cười buồn bã: “Có tiền để làm gì chứ? Thôi thì lo được đứa nào mình lo”. Chị cho chúng học nghề, lo chỗ ở, chúng chăm chỉ đi học và thay ca nhau làm việc.
Mẹ chị giờ đây già yếu, ngớ ngẩn - hậu quả của những trận đòn khủng khiếp ngày xưa. Chị vẫn thường xuyên về thăm mẹ và lo lắng, chăm sóc cho các em còn ở lại quê nhà.
Chị bảo: “Lần duy nhất cha nói xin lỗi mình là lúc ông biết ông bị bệnh ung thư”. Đó có lẽ là sự xoa dịu duy nhất cho suốt cuộc đời trẻ thơ đầy uất ức của chị và những người con khác trong gia đình.

LAN PHƯƠNG